Khu vườn phong thủy có những đặc trưng nào, Xét trên bình diện tổng thể, chúng ta không thể quyết định được hiện tượng tự nhiên trong khu vườn của mình hoặc trong phạm vi môi trường rộng lớn hơn.
Tuy nhiên chúng ta chịu trách nhiệm về các loại cây trồng và những thành phần đặc trưng mà chúng ta đưa vào khu vườn.
Hiểu rằng phong thủy bị chi phối bởi các nguyên tắc riêng, chúng ta có thể chọn bàn ghế, công trình xây cất, cây cối và màu sắc có công năng hòa hợp với nhau và với khu vực xung quanh và qua sự chọn lựa đó, tạo ra được môi trường quân bình và có ích cho chúng ta. Chúng ta cũng có thể chủ động đưa vào các thành tố đặc trưng có tính xung khắc với mục đích tạo ra nguồn năng lượng mãnh liệt hơn trong vườn.
Lối đi
Lối đi có thể mang khí chu du trong khắp khu vườn, kích thước lối đi cũng như hình dáng và vật liệu làm thành lối đi, có thể ảnh hưởng đến sự chuyển động của nguồn năng lượng này. Điều này sẽ tác động đến cách chúng ta cảm nhận và ý thức vùng không gian trong khu vườn.
Khu vườn trước nhà
Nói chung, lối đi là đường dẫn đến cổng ra vào nhà, cửa chính hoặc cổng giữa các vùng tiếp giáp. Khi lối đi là một đường thẳng, chúng điều khiển dòng chảy năng lượng lưu thông nhanh vì vậy chúng ta có khuynh hướng không quan tâm đến khu vườn và thay vào đó chỉ di chuyển giữa căn nhà của mình và thế giới bên ngoài. Trong khu vườn Phong Thủy, mục tiêu là dùng khu vườn trước nhà làm không gian đệm giữa nhà và thế giới bên ngoài là nơi chúng ta thu thập năng lượng vào buổi sáng và thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Các lối đi nên hơi uốn khúc, điều này giúp chúng ta có dịp chiêm ngắm vẻ đẹp ở góc cạnh và cảnh quan khác nhau của khu vườn khi chúng ta đang dạo bước. Nếu không thể điều khiển được hình dáng của lối đi, khi ấy ta nên đặt dọc theo đường đi những chậu cảnh hoặc trồng thêm các cây để đường thẳng của lối đi bị gẫy khúc. Cũng có thể treo các chậu cảnh nhỏ phía trên cao để tạo ra hiệu ứng này. Một cách khác là làm cho lối đi đứt đoạn một cách đều đặn, hoặc bằng các luống cây trồng hoặc bằng các thành tố đặc trưng mang tính trang trí nào đó, hoặc bằng cách dựng các hàng rào ngăn cản tầm nhìn từ các loại vật liệu khác nhau.
Khu vườn sau nhà
Lối đi cũng nên lượn lờ ở khắp khu vườn sau nhà để chúng ta thường xuyên được thưởng ngoạn cảnh sắc trong vườn từ các góc nhìn khác nhau. Tốt nhất là chúng ta nên chọn một góc nào đó có thể cho phép chúng ta nhìn thấy toàn bộ quang cảnh khu vườn. Ở những khu vườn rộng lớn, lối đi còn có thể tạo ra sự mời mọc, quyến dụ, thúc đẩy chúng ta nhanh chân bước vượt qua những đoạn đường cây trồng, những khoảng tường hoặc giàn cây leo phân cách để mau mau đến với cảnh đẹp thấp thoáng phía trước. Phòng làm việc và nơi nghỉ chân là những nơi chúng ta thường hay vội vàng tìm đến nên con đường dẫn đến đây cần thẳng tắp, nhưng nếu đặt phòng làm việc ở nhà thì không việc gì phải vội và một lối đi uốn lượn hướng đến nơi này mới là hợp cách.
Vật liệu
Lối đi cần sự chắc chắn và phù hợp với mục đích sử dụng. Trong khu vườn lớn, các lối đi phải chịu được tải trọng nặng và vì vậy lối đi trải sỏi dùng ở đây sẽ không hợp. Loại đá cuội cũng không là vật liệu thích hợp để làm đường ở những nơi có người già hoặc người khuyết tật vì gập ghềnh và dễ té. Có thể thay đổi các loại vật liệu cho nhiều khu vực khác nhau – ví dụ, lối đi bằng vỏ cây trong các rừng cây với các thanh gỗ chặn hai bên đường rất thích hợp, nhưng các lối đi trồng cỏ và có mặt đường phẳng láng không nên dùng ở những nơi ẩm ướt vì dễ trơn trợt
Sử dụng vật liệu nào, điều này còn tùy thuộc vào kiểu kiến trúc của địa phương và ta cần phải ưu tiên cho sự hòa hợp với khung cảnh xung quanh. Những khối đá bê tông màu có thể hợp với khu vườn hiện đại ở thành thị nhưng sẽ trở nên khó coi khi dùng trong vườn ở vùng quê. Mặc dầu loại vật liệu được dùng phải hòa hợp với môi trường xung quanh nhưng chúng ta vẫn có thể tạo ra những con đường riêng cho mình bằng cách pha trộn các loại vật liệu khác nhau vào kiểu thiết kế. Lát gạch dọc hai bên lối đi bê tông hoặc dùng hai màu gạch khác nhau chỉ là hai trong nhiều ý tưởng mà ta có thể áp dụng.