Phong thủy phòng tắm, phòng tắm theo phong thủy, Vị trí của phòng tắm được khoa Phong thủy coi trọng vì nước đồng nghĩa với sự giàu sang, phú quý cho nên việc thải nước dơ ra tượng trưng cho hành động phân tán tài sản của gia đình.
Sự thay đổi điều kiện khí hậu đã nhấn mạnh đến sự quý giá như thế nào của nguồn nước sinh hoạt đối với con người và liên quan đến cả các biện pháp sử dụng để đừng lãng phí nó.
Các nhà bảo tồn thiên nhiên khuyến cáo con người nên tiết kiệm nước trong việc tắm giặt và cả việc tưới cây. Vòi nước chảy rỉ rả ngày đêm là hình ảnh tượng trưng cho tiền bạc của gia đình đang bị thất thoát. Nếu đánh giá chi tiết về việc vòi nước chảy rỉ rả, với mức độ 1 giọt/ giây, lãng phí 1.000 lít nước mỗi năm thì chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của việc áp dụng các nguyên tắc cổ xưa vào đời sống hiện đại. Nếu việc tắm giặt và rửa ráy không được giải quyết thì ngoài việc cảm thấy khó chịu và khổ sở ra thì điều này còn có thể là một nguy cơ đối với sức khỏe, nên điều quan trọng hàng đầu là chúng ta phải sửa chữa chúng càng sớm càng tốt.
Vị trí
Phòng tắm nên được đặt cách xa cửa ra vào chính vì đây là nơi chúng ta không muốn khách đến nhà bị ấn tượng về nó khi ra về. Lý do khác quan trọng hơn để đừng đặt phòng tắm gần nhà bếp là vì vấn đề sức khỏe; ngoài ra phòng tắm cũng nên được đặt xa vị trí phòng ăn và phòng khách để khách không ngượng ngùng khi sử dụng.
Nhà vệ sinh
Thật không hay tí nào nếu bước vào phòng tắm mà nhìn thấy ngay nhà vệ sinh; nếu có thể nên đặt nhà vệ sinh ở nơi khuất tầm nhìn. Có thể sử dụng màn che hoặc “giấu” nó sau một cánh cửa. Cửa nhà vệ sinh nên được đóng kín và bàn cầu phải luôn luôn đậy lại.
Phòng tắm được xem là có liên quan đến các hệ thống sinh sản, bài tiết, tiêu hóa của cơ thể chúng ta, do đó một phòng tắm rộng lớn, tiêu thụ nhiều nước, có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe liên quan đến sự bài tiết. Còn phòng tắm mà chật hẹp, tù túng lại liên quan đến việc hạn chế các chức năng làm việc của cơ thể. Các phòng tắm rộng lớn còn đi kèm với sự phù phiếm và những ám ảnh quá đáng về sự sạch sẽ, trong khi đó thì các phòng tắm nhỏ lại tạo cảm giác bí bức và người ta có thể bị tai nạn khi thao tác trong phòng này.
Gương soi và tủ kệ
Dùng gương soi có thể tạo ảo giác rộng hơn cho một không gian hẹp. Nói chung khoa Phong thủy kị việc đặt các gương soi đối diện nhau vì chúng thường xuyên gọi hình ảnh của một người thoát khỏi bản ngã của họ. Tuy nhiên nếu chúng ta không dành quá nhiều thời gian đứng trước gương soi trong phòng tắm thì điều này có thể chấp nhận nếu việc treo gương như thế có tác dụng mở rộng không gian của phòng. Gương soi xếp liền cạnh nhau thì không nên vì chúng cắt hình ảnh phản chiếu ở chúng. Gương được gắn dính chặt vào tường thích hợp hơn là nhô ra khỏi tường và dùng loại gương bình thường tốt hơn là loại gương phóng lớn làm méo mó hình ảnh.
Các tủ trong phòng tắm là nơi dễ dàng tích chứa khí ứ đọng. Đa số các loại mỹ phẩm đều có hạn sử dụng rất ngắn vậy mà nhiều chiếc tủ còn cất giữ nhiều món mỹ phẩm đã mua được nhiều năm.
Phòng tắm chung với phòng khác
Theo quan niệm Phong thủy, chiều hướng sử dụng phòng tắm chung với các phòng khác là không phù hợp. Nếu được nên tách phòng tắm khỏi nhà vệ sinh hoặc phải bảo đảm là khu vực phòng tắm nằm trong phòng ngủ phải có hệ thống thông khí luôn hoạt động tốt. Kiểu phòng tắm được xây dựng bên trong phòng ngủ thường tạo thành hình chữ L với một góc lấn vào trong phòng ngủ, vì vậy cần phải bảo đảm là góc cạnh này không hướng về phía giường.
Thư giãn
Rất ít người trong chúng ta tìm thấy đủ thời gian để thư giãn và chính điều này thường là nguyên nhân làm sức khỏe của chúng ta suy giảm, cả về thể chất lẫn tinh thần. Phòng tắm là một trong số ít nơi chúng ta có thể tạm xa lánh thế giới xung quanh và ở một mình. Do vậy các phòng tắm nên được trang trí như thế nào đó để chúng ta có thể trút bỏ mọi lo âu, phiền muộn vào cuối một ngày bận rộn, hoặc cho phép chúng ta có được đôi chút giây phút yên bình vào buổi sáng.
Màu sắc dùng trang trí phòng tắm sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của chúng ta khi ở trong đó. Màu xanh dương thể hiện sự lắng dịu, đi kèm với sự êm đềm và suy tư. Các bác sĩ trị liệu bằng màu sắc tin rằng màu xanh dương làm giảm áp huyết, giúp hít thở sâu hơn và dễ đi vào giấc ngủ. Trong khi đó, màu xanh lá cây giúp mắt chúng ta được ngơi nghĩ và thần kinh được ổn định. Dù chọn màu gì đi nữa, chúng ta vẫn có thể tạo ra một không gian thư giãn và nhẹ nhàng bằng cách mở nhạc nhẹ và thêm vài giọt dầu thơm tinh chất vào nước trong bồn. Mùi cam becgamôt (bergamot), mùi hoa oải hương (lavender) và mùi hoa phong lữ (geranium) làm khuây khỏa muộn phiền, âu lo và những áp lực khác trong cuộc sống, trong khi mùi cúc la mã (camomile), mùi hoa hồng, mùi dầu chanh và mùi ylang-ylang được dùng để làm nguôi ngoai sự bực mình và giúp tâm hồn thư thái. Bồn tắm là nơi lý tưởng để tự mát xa trong lúc tắm.
Những người theo tư tưởng Đạo giáo cho rằng nguồn dinh dưỡng chúng ta nhận được từ không khí khi chúng ta hít thở có giá trị hơn so với thực phẩm và nước. Khi hít vào chúng ta hút năng lượng vào – đây là sự cung cấp năng lượng – và khi thở ra chúng ta làm thanh sạch và thải độc tố trong người ra. Nghệ thuật hít thở đúng cách là một phần trong chế độ giữ gìn sức khỏe của Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, và được dựa trên sự cân bằng âm-dương và sự tạo ra luồng chân khí chu lưu khắp thân thể. Người ta cho rằng bệnh tật sẽ xảy ra khi luồng chân khí này không được giữ gìn và bồi đắp. Hãy dùng thời gian trong phòng tắm để tập điều khiển việc hít thở.
Thiền định là một kỹ thuật thư giãn khác. Người Trung Quốc định nghĩa thiền định là “ngồi xuống và không làm gì cả”. Sự mô tả tưởng chừng đơn giản này thật ra là một nghệ thuật mà có thể bạn phải mất nhiều năm mới hoàn thiện được. Cho dù mục tiêu của chúng ta là ngẫm nghĩ lại những gì xảy ra trong ngày hoặc để mặc cho tâm trí thoải mái và thư giãn, phòng tắm thực sự là nơi lý tưởng đáp ứng được cả hai điều đó.