Chăm sóc cây cảnh là một việc làm đòi hỏi tính cẩn mĩ và khoa học. Vì ví như chúng ta không biết cách chăm bón hoặc chăm sóc một cách cẩu thả thì những cây xanh chúng ta đem về trồng trong nhà chẳng khác gì những cây tự mọc ven đường. Bài viết này chúng tôi cung cấp cho các bạn một số mẹo hay cần biết khi chăm sóc cây cảnh của chúng ta để tô điểm cho ngôi nhà chúng ta bằng những cây cảnh nghệ thuật.
1. Cắt tỉa thường xuyên
Cắt bỏ lá úa, hư để cành lá trông xanh mượt và tràn đầy sức sống. Nên mạnh dạn loại bỏ những cành hoa nhỏ hoặc héo rũ. Cách này không chỉ làm không gian thoáng đãng mà còn giúp cây sinh trưởng tốt hơn. Những cành lá không còn khả năng tươi tốt trở lại bị loại bỏ sẽ tạo điều kiện cho cây dùng chất dinh dưỡng nuôi các cành hoa khác. Cắt tỉa thường xuyên còn giúp hạn chế muỗi, côn trùng ẩn nấp trong những chậu cây. Nhờ vậy, sức khỏe của gia đình bạn cũng được đảm bảo.
2. Chọn nơi nhiều ánh sáng
Một khu vườn tràn ngập ánh sáng mặt trời là yếu tố đầu tiên để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đầu tiên, bạn cần chọn khoảnh đất thoáng đãng, gió mát và đón nhiều ánh nắng mặt trời để cây xanh có thể quang hợp. Khi ấy, cây mới sinh trưởng tốt, xanh um và khỏe mạnh. Hơn nữa, ánh sáng mặt trời còn phát huy tối đa khả năng tạo diệp lục của cây, làm trong lành bầu không khí xung quanh nhà.
3. Đất tốt
Cách đơn giản giúp bạn chọn loại đất tốt là dùng tay bóp một chút. Nếu thấy tơi xếp, mịn màng là loại tốt. Nếu trồng trong chậu, nên lót bên dưới chút đất bột xơ dừa rồi đến đất thịt. Sau đó, phủ tiếp một lớp đất xơ dừa ở trên cùng. Như thế, chậu cây vừa sạch sẽ, vừa không úng nước. Trường hợp trồng trong vườn, bạn cũng phủ một lớp đất xơ dừa lên trên cùng để giữ ẩm cho đất. Chúng sẽ giúp cây tươi tốt hơn.
4. Chọn vị trí đặt chậu
Để không gian hài hòa và không đơn điệu, bạn tránh đặt chậu hoa một cách tùy hứng. Cách bố trí thông minh là chậu cao đặt bên trong, còn chậu thấp đặt bên ngoài, hoa thấp xen với cây bụi thấp, hoa cao để chung với cây thân cao. Như vậy, cây lớn sẽ không che hết nắng của cây nhỏ. Những chậu hoa bé hơn nữa, bạn nên đặt trên những tảng đá cảnh cao. Cách này vừa tạo nét khác lạ, vừa dễ chăm sóc và tránh bị úng nước, làm cây chết.
5. Chọn bình như thế nào?
Màu sắc, kiểu dáng bình tùy thuộc vào mục đích, vị trí đặt chậu. Nhưng kích cỡ tùy thuộc vào loại cây bạn trồng. Chậu quá to so với cây sẽ dẫn đến tình trạng úng nước hoặc phân bón không phát huy tác dụng. Loại quá bé sẽ không đủ chỗ cho rễ phát triển. Cây có thể chết do không sinh trưởng hoặc rễ phát triển và đâm mạnh, gây nứt, vỡ bình. Nên tham khảo với nhà vườn để chọn loại chậu thích hợp. Hãy nói rõ bạn định trồng cây gì, họ sẽ cho những lời khuyên hữu ích.
6.Tưới nước
Cây cảnh bày trí trong nhà thì lượng nước tưới không nên quá nhiều, khi nào thấy đất trồng khô thì tưới nước là được. Ngoài ra, có thể dùng bình phun nước để phun cho cây, mùa hè có thể phun ngày hai lần, mùa đông thì ngày một lần để tăng cường độ ẩm, làm sạch lá, có lợi cho quá trình quang hợp của cây, làm cây xanh tốt.
Những loại cây trồng trong nhà cần chú ý hơn đến việc mua những chậu cây phù hợp. Có thể dùng những loại chậu cảnh có đĩa đệm bên dưới để dễ dàng di chuyển và thoát nước tốt.
7. Sử dụng phân bón đúng lúc
Không nên bón phân thúc ra hoa hoặc làm xanh lá quá thường xuyên cho hoa cảnh. Nếu không đủ kiến thức, việc lạm dụng này có nguy cơ tạo ra hiệu quả ngược. Cây héo lá và chết là điều khó tránh khỏi. Tốt nhất, nên bón một hoặc hai lần/tháng. Chọn đúng loại phân và bón cách gốc khoảng 10cm. Tưới đẫm nước sau khi bón để hòa tan đều trong đất, giúp rễ dễ dàng hấp thu. Sau khi bón, nên để chậu nơi thông thoáng, tránh tầm tay trẻ em. Nếu làm trong vườn, nên bón vào buổi sáng, tránh lúc trưa nắng gắt.
8. Phòng bệnh cho cây
Cây cảnh bày trí trong nhà không được dùng thuốc trừ sâu, có thể dùng thuốc diệt muỗi để trừ sâu. Đối với cây mắc bệnh phấn trắng thì có thể dùng khăn và cồn lau sạch, nếu mức độ bệnh nghiêm trọng thì cần phải để cây ra ngoài rồi trị bệnh cho cây.
9 Biện pháp hồi phục khi cây bị khô héo
Khi phát hiện cây có hiện tượng vàng úa, khô héo, rụng lá… thì phải kịp thời có những biện pháp chăm sóc giúp cây hồi phục lại sức sống. Không nên cho ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu xạ vào cây để tránh làm cho sức nóng của ánh nắng gây ảnh hưởng bất lợi đến cây cối hoặc có thể làm cho cây chết do bị mất nước. Nơi chăm sóc cây phải là nơi mát mẻ, không khí trong lành và nên tránh gió mạnh.
Trong thời gian đầu nuôi dưỡng cây thì không nên tác động vào đất trồng bởi vì lúc này các tổ chức và chức năng của cây ở trạng thái tĩnh, nếu động thổ thì sẽ làm cho hệ rễ cây bị tổn thương. Vào thời gian này chỉ nên cắt bỏ các lá vàng úa, khô héo, tưới nước đầy đủ, đồng thời có thể hòa đạm vào nước với nồng độ thấp để tưới cho cây, mỗi tuần một lần, sau mỗi tháng thì sẽ tăng dần lượng, sau khoảng 2 -3 tháng thì sẽ tăng nồng độ.
Đợi đến khi cây có sức sống trở lại thì thay đổi đất trồng, tốt nhất là dùng đất mục và đất phù sa để trồng, nên bón lót phân bắc trước khi trồng cây.
10. Chọn dụng cụ làm vườn phù hợp
Cần trang bị đầy đủ dụng cụ làm vườn để việc chăm sóc cây cối, hoa cảnh dễ dàng và an toàn hơn. Chúng vừa giúp bạn thao tác thoải mái, hợp vệ sinh, vừa bảo vệ tay khi tiếp xúc với phân hóa học. Những dụng cụ bạn cần phải có như: găng tay, xẻng, kéo, bình tưới nước… Nên mua dụng cụ phù hợp với diện tích vườn. Nếu vườn rộng, bạn nên trang bị loại lớn để rút ngắn thời gian chăm sóc. Với nơi vừa phải, loại nhỏ sẽ giúp bạn dễ sử dụng hơn.